Trái đất không phải là hành tinh có đại dương duy nhất trong hệ mặt trời.

Hành tinh đại dương là hành tinh đất đá có chứa một lượng đáng kể nước hoặc ở trên bề mặt hoặc dưới bề mặt. Dưới đây là một số hành tinh đại dương trong hệ Mặt trời:
Europa
Europa là mặt trăng lớn thứ tư của sao Mộc. Kính thiên văn Hubble từng ghi lại được các cột hơi nước bốc cao tới 200km trong bầu không khí cực nam của Europa. Theo NASA, điều này củng cố cho ý tưởng rằng Europa có đại dương nước mặn dưới bề mặt với lớp băng có thể dày vài kilômét.
Nghiên cứu năm 2007 tại Đại học Stanford, California, Mỹ, tính toán rằng mức độ ôxy trong đại dương của Europa có thể ngang với biển sâu của Trái đất, điều này càng củng cố thêm cơ hội có thể nuôi dưỡng sự sống trên mặt trăng của sao Mộc.

Ganymede
Ganymede, mặt trăng lớn nhất của sao Mộc, lớn hơn 8% so với sao Thủy, nhưng chỉ bằng một nửa khối lượng của hành tinh này. Mật độ thấp như vậy cho thấy rằng Ganymede nên được làm từ đá và nước.

Vào những năm 1990, tàu vũ trụ Galileo phát hiện Ganymede có từ trường riêng, nghĩa là mặt trăng này phải có lõi sắt nóng chảy. Nhiệt từ lõi này sẽ đủ để làm tan chảy băng và tạo ra một đại dương ngầm khổng lồ.

Đại dương này có thể là một lớp dày 100km giữa lớp vỏ băng giá trên bề mặt và một lớp băng khác bên dưới được giữ vững bởi áp suất khổng lồ. Các mô hình khác đã gợi ý rằng, có thể có một số đại dương khác nhau, được sắp xếp thành các vòng đồng tâm giống như một củ hành, với các lớp băng rắn khác nhau ngăn cách.

Callisto Callisto là mặt trăng lớn thứ hai của sao Mộc. Callisto lớn gần bằng sao Thủy, nhưng nặng bằng 1/3, có nghĩa là nó có khoảng 50% là nước.

Các phép đo trọng lực từ tàu vũ trụ Galileo cho thấy, cấu trúc bên trong của mặt trăng Callisto chưa hoàn toàn tách ra thành một lõi đá với một lớp phủ nước/băng tinh khiết. Điều này có nghĩa là băng chưa bao giờ tan chảy hoàn toàn trong quá trình hình thành mặt trăng Callisto. Dù vậy, Space.com lưu ý, các nhà khoa học xác nhận Callisto có một đại dương lỏng gần bề mặt.
Sao Diêm Vương
Sao Diêm Vương quá nhỏ để có thể giữ đủ nhiệt để khiến lõi hành tinh này nóng chảy. Dù vậy, nhiệt độ dưới bề mặt hành tinh này đủ để tan chảy các nguyên tố nhẹ hơn và cho phép các khoáng chất silicat nặng hơn chìm xuống. Kết quả là lõi đá 1.700km có một lớp nước và băng dày 100-180km bao quanh.

Theo NASA, bề mặt của sao Diêm Vương lạnh đến nỗi hành tinh được bao phủ bởi tuyết làm từ nitơ rắn, mêtan và carbon monoxide, nhưng dữ liệu đo khối phổ từ tàu vũ trụ New Horizons cho thấy lớp bên dưới đó là băng nước.

Theo nghiên cứu của Đại học Purdue, có manh mối cho thấy, nước bên trong sao Diêm Vương hoạt động giống như magma nóng chảy trong lớp phủ của Trái đất.

Ceres
Ceres là vật thể lớn nhất trong vành đai tiểu hành tinh, và là hành tinh lùn duy nhất trong hệ mặt trời.

Kính thiên văn Herschel đã quan sát thấy, những chùm tia hơi nước phun vào không gian với tốc độ 6 lít mỗi giây. Tổng lượng nước trong lớp phủ băng giá của Ceres nhiều hơn tất cả nước ngọt trên Trái đất, nhưng rất khó để biết bao nhiêu trong số này là chất lỏng.
Mimas
Mặt trăng của sao Thổ, Mimas, có thể chủ yếu được cấu tạo từ băng nước cùng với đá cứng, giống như một quả cầu tuyết có sạn.

Không có tia nước hay mạch nước phun nào nhìn thấy được và bề mặt của Mimas có nhiều vết lõm, cho thấy lớp vỏ Mimas đã bị đóng băng hàng tỉ năm, theo NASA.
Dione
Mặt trăng Dione của sao Thổ có thể có 50% nước với lõi đá nặng hơn. Nhóm nghiên cứu của NASA từng kết luận rằng, lớp vỏ đóng băng dày khoảng 100km của Dione có thể nổi trên một đại dương lỏng sâu 35-95km.

Theo nghiên cứu tại Đài quan sát Hoàng gia Bỉ, một đặc điểm quan trọng của Dione là đại dương có thể ở dạng lỏng đến tận đáy, thay vì bị kẹp giữa hai lớp băng.

Loading

Rate this post