VỠ NHIỆT KẾ, BÉ GÁI BỊ NHIỄM THUỶ NGÂN❌❌

VỠ NHIỆT KẾ, BÉ GÁI BỊ NHIỄM ĐỘC THUỶ NGÂN  ❌❌

Do vẩy chiếc nhiệt kế thủy ngân trước khi đo, không may nhiệt kế vỡ chọc vào tay bé gái 11 tuổi tạo ra vết thương ở ngón trỏ trái. Khi được đưa tới Bệnh viện Bạch Mai, vết thương của bé đã bị nhiễm trùng và áp xe. Hình ảnh chụp X-quang cho thấy ngón tay của bé có nhiều hạt thủy ngân ở bên trong phần mềm sát khớp bàn ngón trỏ tay trái.

Do tình trạng nhiễm trùng phức tạp, bệnh nhi được điều trị nhiễm trùng trước, đồng thời xét nghiệm nồng độ thủy ngân trong máu, nước tiểu và đánh giá các tổn thương.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 27/2 cho biết đây là trường hợp đầu tiên nhiễm độc thủy ngân do tai nạn khi sử dụng nhiệt kế. Thủy ngân có trong nhiệt kế là loại thủy ngân nguyên tố (tức là dạng nguyên thể, chưa biến đổi thành các hợp chất).

Y văn thế giới chỉ ghi nhận một vài trường hợp nhiễm độc thủy ngân do tiêm thủy ngân dạng nguyên thể qua da. Khi các hạt thủy ngân này được tiêm qua da hoặc xâm nhập vào vết thương với lực cơ học mạnh, thì rất dễ hấp thu vào máu và gây nhiễm độc cho cơ thể, đặc biệt ở các vị trí có nhiều mạch máu, vị trí gần các khớp.

Năm 2019, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai từng điều trị một bệnh nhân tự tiêm thủy ngân nguyên tố (lấy từ 5 chiếc nhiệt kế) vào tay. Bệnh nhân này bị nhiễm độc thủy ngân mức độ nặng. Nhờ phối hợp điều trị tích cực giữa các chuyên khoa, một lượng rất lớn các hạt thủy ngân đã được lấy ra hết một cách an toàn, bệnh nhân được giải độc thành công.

Hiện vết thương của cháu bé này đã ổn định. Các bác sĩ chụp cắt lớp, siêu âm để đánh giá kỹ số lượng hạt thủy ngân và vị trí chính xác ở ngón tay để chuẩn bị cho cuộc mổ loại bỏ các hạt thủy ngân. Mặc dù vị trí phẫu thuật nhỏ, song cuộc mổ được các bác sĩ xem trọng đặc biệt do cần phải lấy hết các hạt thủy ngân một cách an toàn. Yêu cầu của ca mổ là “phải lấy hết nhưng không được để thủy ngân rơi ra ngoài”. Nhiều hạt thủy ngân nhỏ nằm ở sát khớp tay bé, khó lấy hết, đồng thời đảm bảo ít ảnh hưởng đến khớp nhất. Các bác sĩ đang chuẩn bị cho ca mổ này để có thể thực hiện tốt nhất, tránh mổ lại lần nữa.

Bác sĩ Nguyên cho biết thủy ngân là kim loại nặng rất độc. Đặc biệt não là cơ quan nhạy cảm nhất, bệnh nhân ngộ độc thủy ngân có thể bị mù, run, kích thích, mất trí nhớ, các rối loạn tâm thần khác…

Khi sử dụng nhiệt kế, nếu không may bị vỡ, thủy ngân nguyên tố trong nhiệt kế rơi ra ngoài, tuyệt đối không được dùng máy hút do thủy ngân dễ bay hơi ở nhiệt độ nóng và dễ xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Các hạt thủy ngân cần được gạt hoặc quét sạch càng sớm càng tốt và thu gom loại bỏ như loại bỏ các chất độc hại với môi trường.

Rất may, loại thủy ngân này khi nuốt vào đường tiêu hóa (như cặp nhiệt kế ở miệng) thì không được hấp thu vào máu nếu đường tiêu hóa lành lặn. Trường hợp này, các bác sĩ chụp X-quang bụng để xem trong đường tiêu hóa có hạt thủy ngân không, nếu có thì dùng thuốc nhuận tràng để loại bỏ nhanh ra ngoài.

Cre: Lâm Sàng Bệnh Viện

Tốt nhất là nên sử dụng loại nhiệt kế hồng ngoại chiếu vào trán, chứ nhiệt kế điện tử mà loại🌡kẹp nách hay ngậm miệng thì vẫn có nguy cơ làm trẻ bị thương

Loading

Rate this post