CHÚT LẠM BÀN VÀ TÁN GẪU, VỀ THIÊN NHIÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

 

Tôi sống ở Hà Nội tính ra cũng đã khá lâu. Có lẽ điểm mà tôi thấy đẹp nhất ở Hà Nội là ở chỗ mặc dù đã có rất nhiều hàng cây bị chặt phá và mức độ ưu tiên cho môi trường khá là thấp, nhưng tới tận bây giờ ở đây vẫn còn rất nhiều ao hồ trong tình trạng khá tự nhiên.

Quả có vậy, với tôi thì Hà Nội chưa bao giờ đẹp nhờ các di tích lịch sử như đa số mọi người thường viện dẫn, vì đó chẳng phải mối quan tâm của tôi (Tôi chưa bao giờ có cảm hứng với văn hóa phương Đông, và tôi chẳng cần phải che giấu điều đó. Sở thích chỉ đơn giản là sở thích thôi). Thực tế thì Hà Nội nhiều ao và hồ tới mức dù đã đi rất nhiều ngóc ngách khắp thành phố, nhưng cứ lâu lâu tôi lại biết thêm một địa điểm mới như vậy. Tôi cũng vốn không thích ồn ào, xô bồ, và đặc biệt ghét hòa mình vào đám đông; do đó hồ Gươm chẳng phải nơi mà tôi yêu thích cho lắm, còn hồ Tây thì những chỗ tôi thích nhất là những nơi mà người ta chưa xây những dịch vụ ăn uống, giải trí lên. Cũng may, có lẽ vì quá nhiều ao và hồ như vậy, nên đến bây giờ người ta vẫn chưa phá hoại hết được chúng, và vẫn còn những chỗ để tôi tìm tới mỗi khi muốn có chút yên tĩnh. Cái hay ở thành phố này chính là ở chỗ bạn không cần phải đi xa, cách biệt khỏi những tiện nghi văn minh để có được ít phút thư giãn, mà đôi khi chỉ cần vài phút lái xe là đủ.

Ngắm nhìn thiên nhiên vào một buổi trưa hay buổi chiều yên bình và để đầu óc tự do suy ngẫm về đủ thứ hay thậm chí để nó bay tới những thế giới xa xôi nhất luôn là một cái thú mà tôi khó bỏ – và tất nhiên, cũng chẳng thấy muốn hay cần bỏ.

Khác với đa số mọi người, tôi chẳng phải kiểu người thích một bầu trời trong xanh – dù điều đó khá là nghịch lý với một gã yêu thích thiên văn học, vì ai cũng biết rằng một bầu trời trong là không thể thiếu nếu muốn nhìn vào vũ trụ. Một bầu trời âm u, gió lạnh thổi tung những tán cây và hơi siết vào từng thớ thịt, … mới là không gian mà tôi thích nhất.

Có một điều nữa tôi muốn nói ở đây, không liên quan tới cá nhân như những ý trên, là về việc bảo vệ môi trường.

Gần đây, tôi có vài lần trao đổi với một số người quen về đề tài này, cũng như có đọc một số nội dung mà những người kêu gọi bảo vệ môi trường ở Việt Nam đăng lên các phương tiện truyền thông.

Hiển nhiên, tôi là người phản đối phá hoại môi trường. Tôi còn nhớ tôi đã bực tức ra sao khi thấy hàng cây cổ thụ ở đường Nguyễn Trãi (gần nhà tôi) bị chặt sạch vào đầu năm 2015 để xây nên một tuyến đường sắt trên cao mà kết quả ra sao thì đến giờ ai cũng biết; cũng như tôi đã và vẫn luôn rất khó chịu khi thấy bất cứ ai xả rác ở nơi công cộng, cho dù chỉ là một cái đầu lọc thuốc lá.

Thế nhưng, ở góc nhìn của người làm khoa học, tôi luôn yêu cầu mọi thông tin và luận điểm phải tuyệt đối chính xác. Đó là bởi tôi hiểu rằng mỗi thông tin, mỗi thông điệp được đưa vào xã hội không bao giờ chỉ có một tác động duy nhất. Nó có thể có nhiều tác động theo nhiều chiều khác nhau. Không bao giờ được phép lấy cớ rằng vì hướng tới một hệ quả tốt mà tự cho mình cái quyền bỏ qua những hệ quả khác (những hệ quả khác đó có thể không tốt).

Việc tuyên truyền bảo vệ môi trường một cách cực đoan theo một chiều, không đưa ra những số liệu cụ thể và phân tích chính xác đang dẫn tới hệ quả là một bộ phận không nhỏ những người ủng hộ phong trào này chỉ còn biết đổ lỗi cho chính nhân loại, đòi dẹp bỏ nền công nghiệp, …

Nên nhớ, chúng ta có cuộc sống ngày nay là nhờ phát triển công nghiệp. Phát triển công nghiệp dù ở mức sơ đẳng nhất cũng yêu cầu phải khai thác tài nguyên, phải chuyển hóa năng lượng. Và vì như vậy, việc làm ảnh hưởng tới môi trường là không bao giờ tránh khỏi. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cứ mặc kệ, cứ tàn phá thoải mái. Cần phải bỏ ngay tư duy cực đoan, một chiều. Bài toán về môi trường không phải là làm thế nào để không tàn phá nữa, mà là làm thế nào để cân bằng một cách tối ưu giữa việc bảo đảm chất lượng của môi trường sống nhưng vẫn tạo ra được những giá trị vừa đủ cho con người. Việc tuyên truyền cực đoan không khác gì giáo dục một đứa trẻ rằng con dao có thể giết người và khiến đứa trẻ cả đời không dám sử dụng nó nữa – dù ai cũng biết nó là dụng cụ không thể thiếu hàng ngày.

Trong câu chuyện về cá nhân tôi ở trên, tôi cũng có nói rằng tôi thấy dễ chịu khi mà chỉ cần vài phút lái xe là tôi đã có thể thưởng thức thiên nhiên. Đó là một ví dụ về việc chúng ta luôn cần tới những tiện nghi ra đời từ nền công nghiệp.

Một cuộc sống dễ chịu nhất có được từ một sự cân bằng vừa đủ, không phải từ một xã hội chối bỏ thiên nhiên hay ngược lại là chối bỏ chính những tiến bộ của mình.

 

Loading

Rate this post