KỈ NIỆM 175 NĂM NGÀY PHÁT HIỆN TRITON – VỆ TINH TỰ NHIÊN LỚN NHẤT CỦA SAO HẢI VƯƠNG

 

Cách đây 175 năm, vào ngày 10/10/1846, William Lassell – một thương gia & nhà thiên văn học người Anh phát hiện ra vệ tinh Triton nhưng lúc đó ông lại không đặt tên cho nó. Mãi đến năm 1880 thì Camille Flammarion (một nhà thiên văn học người Pháp khác) mới lấy tên của vị thần biển Triton trong thần thoại Hy Lạp để đặt tên cho vệ tinh này.

Và nhân dịp kỉ niệm này chúng ta sẽ điểm qua top 10 sự thật thú vị về vệ tinh Triton:

1. Triton là vệ tinh tự nhiên lớn thứ 7 trong hệ Mặt Trời, đường kính xấp xỉ 2710 km (bé hơn khoảng 765 km so với Mặt Trăng)

2. Triton là vệ tinh lớn duy nhất trong hệ Mặt Trời có quỹ đạo nghịch hành (tức là nó quay quanh Sao Hải Vương theo hướng ngược lại với hướng tự quay quanh trục của Sao Hải Vương)

3. Triton được cho là có nguồn gốc từ vành đai Kuiper và bị Sao Hải Vương bắt giữ làm vệ tinh của nó

4. Triton có đường kính và khối lượng còn lớn hơn cả Sao Diêm Vương (Pluto), thiên thể mà trước đây từng được xem là một hành tinh. Xét về hai tiêu chí trên, Triton cũng nhỉnh hơn cả Eris – hành tinh lùn nặng nhất hệ Mặt Trời

5. Triton chiếm tới 99,5% tổng khối lượng của các thiên thể quay xung quanh Sao Hải Vương (bao gồm hệ thống vành đai và 13 vệ tinh tự nhiên còn lại của hành tinh này)

6. Nhiệt độ bề mặt trung bình của Triton rất thấp, vào khoảng -237,6 độ C

7. Có thể Triton đang ẩn chứa một đại dương nước ngầm bên dưới bề mặt của nó (giống như Europa – 1 trong 4 vệ tinh Galileo của Sao Mộc)

8. Triton cũng có một lớp khí quyển nhưng cực kỳ mỏng với 99,9% là nitrogen, phần còn lại là methane, carbon monoxide. Áp suất khí quyển trên bề mặt Triton chỉ bằng khoảng 1/70000 so với áp suất khí quyển tại mực nước biển trên Trái Đất

9. Triton cũng có một vài “núi lửa băng” đang phun trào. Những “núi lửa băng” này không phun ra dung nham, thay vào đó chúng phun ra nước, ammonia, methane, v.v… được gọi chung là cryomagma (tạm dịch là magma băng)

10. Cho đến thời điểm hiện tại, Voyager 2 là tàu vũ trụ duy nhất của con người tiếp cận để chụp ảnh và thăm dò Triton. Voyager 2 đã tiếp cận Triton với khoảng cách xấp xỉ 40.000 km tính từ bề mặt của vệ tinh này, nhờ đó mà chúng ta có thể hiểu biết cũng như khám phá thêm được rất nhiều điều thú vị về vệ tinh này.

Nguồn ảnh: Wikipedia.

Nguồn bài viết : Trần Khôi Nguyên

Loading

Rate this post