SỰ TIẾN HÓA CỦA MỘT NGÔI SAO!

[Bài viết là một sự hệ thống lại những gì chúng ta đã biết, đã nghe, đã đọc. Dành cho những ai yêu thích thiên văn học]

SỰ TIẾN HÓA CỦA MỘT NGÔI SAO!

Những ngôi sao – như chúng ta vẫn biết (mà Mặt Trời là đại diện tiêu biểu), đa số được hình thành từ những tinh vân, khi những đám mây bụi khí này co lại dưới tác dụng của lực hấp dẫn. Khi nhiệt độ của tâm đám mây vật chất đủ cao (từ 10 đến 15 triệu độ) thì các phản ứng tổng hợp hạt nhân bắt đầu (từ Hidro thành Heli), lúc này ngôi sao được hình thành và bắt đầu cuộc đời của nó.

Tuổi thọ của một ngôi sao dường như tỷ lệ nghịch với khối lượng của nó. Những ngôi sao càng lớn thì càng nhanh đốt cháy hết Hidro và càng mau chóng “chết đi”. Những ngôi sao cỡ bé như Mặt Trời của chúng ta đốt hết nhiên liệu trong khoảng 10 tỷ năm (hiện nó đã sống gần 5 tỷ năm và sẽ còn 5 tỷ năm của cuộc đời). Còn những ngôi sao gấp cỡ 60 lần Mặt Trời, thậm chí cuộc đời của nó chỉ là vài triệu năm ngắn ngủi!

Với những ngôi sao khối lượng tương đương Mặt Trời, hoặc đến khoảng gấp 1,4 lần Mặt trời, khi đốt cháy hết Hidro, lớp lõi của nó sẽ co lại, vỏ phình ra thành 1 ngôi sao Kềnh đỏ – (hoặc còn gọi là sao khổng lồ đỏ – đây là tương lai của Mặt Trời chúng ta, trong viễn cảnh này, ngay cả Trái Đất có thể cũng sẽ bị nuốt chửng). Sau đó lớp vỏ khí phóng ra không gian, biến thành một dạng tinh vân hành tinh, còn lõi trở thành một ngôi sao lùn trắng (màu trắng ở đây do chuyển động nhiệt của electron). Dần dần, sao lùn trắng nguội đi trở thành sao lùn đen, “chìm nghỉm” trong màn đêm của vũ trụ.

Với những ngôi sao gấp 1,4 đến 1,5 lần khối lượng Mặt Trời trở lên, khi đốt cháy hết khí Hidro, lớp vỏ phình ra hết cỡ, trở thành 1 ngôi sao Siêu kềnh đỏ. Đến giai đoạn kết thúc, một vụ nổ dữ dội mà chúng ta thường gọi là vụ nổ “Siêu tân tinh” (một cách gọi khá sai trong tiếng Việt) sẽ xảy ra. Lúc này, với các ngôi sao có khối lượng bé hơn 3 đến 4 lần khối lượng Mặt trời, lực hấp dẫn khủng khiếp sẽ kéo electron vào hạt nhân, ép vào proton và biến proton thành neutron – đây là những cấu trúc đến nay chúng ta vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ – hình thành những ngôi sao neutron. Đây là vật thể có mật độ vật chất cực kỳ khủng khiếp. Chúng quay rất nhanh, với tần số khá ổn định và phát bức xạ vô tuyến (pulsar).

Còn nếu khối lượng sao lớn hơn 3 hoặc 4 lần Mặt Trời trở lên, thì sau vụ nổ siêu tân tinh dữ dội, tâm của nó sẽ bị co đến mức cực hạn, khiến cho bất kỳ vật chất nào kể cả ánh sáng không thể thoát ra được, hình thành nên con “quái vật” thần bí nhất của vũ trụ – hố đen.

#thiênvănhọc #star

Loading

Rate this post