THIÊN VĂN HỌC THAY ĐỔI THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO?

 

Tôi đã có nhiều bài viết về vai trò của lĩnh vực này. Vì thế, tất nhiên, hôm nay tôi sẽ không quay lại câu chuyện về việc nhờ các nghiên cứu thiên văn mà ngày nay bạn biết được vị trí của mình trong vũ trụ hay nguồn gốc của chính chúng ta, hoặc là việc bạn đang được dùng truyền hình vệ tinh và định vị GPS nhờ những ứng dụng của nghiên cứu thiên văn.

Tôi sẽ nói vài thứ gần với bạn hơn một chút, mà tôi nghĩ gần như chắc chắn rằng bạn chưa từng nghe tới.

Khó có thể nói rằng cuộc sống của con người là đơn giản hay phức tạp, nhu cầu của chúng ta là cao hay thấp. Mức độ phức tạp trong thói quen sinh hoạt và nhu cầu hàng ngày của con người phụ thuộc chủ yếu vào môi trường và trình độ công nghệ. Không cần nói đâu xa, nếu bạn còn nhớ thì mới khoảng 12 hoặc 15 năm trước, những đoạn clip 480p ở Youtube đã đủ làm bạn hài lòng, 720p khi đó vẫn được gọi là HD và nhìn chúng thật hoàn hảo, còn Devil May Cry 4 thì được coi là một video game có đồ họa tưởng như không thể sống động hơn. Còn bây giờ, khi vào Youtube và muốn xem lại một cảnh phim hay clip ca nhạc nào đó, người ta coi 720p chỉ là … tạm chấp nhận được. Như vậy, đa số nhu cầu của con người trong xã hội hiện đại vốn không phải có sẵn, mà chúng tự phát sinh, hoặc phát triển thêm theo thời gian. Một số công nghệ được cải tiến không ngừng vì mục tiêu doanh thu của các nhà cung cấp, hiển nhiên. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những phát hiện và công nghệ mà bạn đang dùng đã xuất hiện theo một cách khác, đó là khi người ta buộc phải đẩy giới hạn của nhân loại đi xa hơn mọi thứ mà bạn hay các tay đầu cơ công nghệ có thể nghĩ tới trước đó.

Vào nửa cuối thế kỷ trước, các nhà khoa học nhận thấy những thế hệ máy ảnh khi đó không thể chụp được hình ảnh đủ sắc nét của những đối tượng xa xôi và phát ra quá ít bức xạ trên bầu trời. Họ đã tìm cách khắc phục việc đó để cải thiện khả năng ghi hình của các kính thiên văn cũng như những máy ảnh gắn trên các thiết bị được gửi vào không gian. Thế là cảm biến pixel CMOS ra đời, và hiện nó là thứ có rất phổ biến trong các loại máy ảnh mà bạn gặp. Nó cũng đã được ứng dụng trong nội soi và chụp X-quang.

Liên quan tới y học, ngày nay ở nhiều nơi người ta đang sử dụng máy quét tia X năng lượng thấp do NASA phát triển với mục tiêu ban đầu là truy tìm dấu vết của bức xạ tia X từ các thiên thể để ứng dụng vào phẫu thuật ngoại trú hay cho những phẫu thuật nhanh do chấn thương thể thao. Cảm biến nhiệt loại nhỏ ban đầu được phát triển với mục đích kiểm soát nhiệt độ của các dụng cụ thiên văn (vốn rất nhạy với những co giãn cực nhỏ vì nhiệt) giờ đây được dùng trong các bệnh viện để kiểm soát việc sưởi ấm cho trẻ sơ sinh, … và còn nhiều ứng dụng khác.

Đầu thế kỷ này, với mục tiêu tìm kiếm giải pháp giúp các nhà du hành chống lại chứng loãng xương khi đi vào môi trường trọng lực thấp, NASA đã đầu tư rất nhiều cho việc nghiên cứu các phương án liên quan tới y học và thực phẩm. Một trong những thành tựu của họ là tìm ra một nguồn axit béo omega-3 có sẵn trong tự nhiên. Phát hiện này lập tức được ứng dụng vào lĩnh vực thực phẩm và hiện nay rất phổ biến trong thức ăn dành cho trẻ em. Phải, khi bạn mua cho con bạn những loại sữa hay thực phẩm được người ta quảng cáo rằng có chứa omega-3, đừng quên rằng thứ đó đã ra đời vì ở nơi đâu đó trên thế giới, có những người tính tới chuyện bay tới Sao Hỏa.

Tất nhiên, còn rất nhiều ví dụ khác nữa để cho thấy rằng việc nghiên cứu thiên văn và hướng tới những mục tiêu cách chúng ta tới hàng nghìn hay hàng tỷ năm ánh sáng không chỉ là vì một tương lai xa (đến mức mà theo nhiều người là quá xa để có thể hình dung được), mà chính sự phát triển của thiên văn học đã và đang thúc đẩy sự phát triển của chính môi trường sống.

Khi có đủ thời gian, tôi sẽ xin được đi sâu hơn vào nội dung này cũng như chính những ví dụ trên.

 

Loading

5/5 - (1 bình chọn)