Tôi còn nhớ rằng ngày còn khá ít tuổi, khoảng 12 hay 13 gì đó, tôi đã từng có lần vô tình ngắm một quả bóng đá (loại bằng nhựa cứng được bán rất rẻ cho trẻ con ngày đó) và bỗng tự hỏi: Có thực cái thứ này có hình cầu như vậy, hay chỉ đơn giản là có cái quái quỷ gì đó khiến cho mắt và tay chúng ta thấy như vậy, hoặc não chúng ta bảo chúng ta như vậy? Cái quái quỷ đó thậm chí quái quỷ tới mức nó khiến cho tất cả mọi người đều thấy điều đó như nhau, và nếu ai thấy khác đi thì được coi là người “tâm thần”.
Liệu có thể có một khả năng nào đó, mà thực tại không hoàn toàn là những gì chúng ta quan sát thấy? (Khi dùng từ “quan sát” ở đây, theo nghĩa tổng quát, ý tôi nói tới khả năng ghi nhận của mọi giác quan, không chỉ riêng thị giác.)
Tôi nghĩ đây là một ý tưởng thú vị, mặc dù nó có thể gây hoang mang cho nhiều người – vì nếu như vậy, thì dường như sau hàng triệu năm tiến hóa và hàng thế kỷ tìm tòi, khám phá, chúng ta vẫn chỉ đang sống trong một thứ mà không chắc có thể gọi là thực tại đúng nghĩa hay không.
Giả sử quả bóng không thực sự có dạng cầu, hay thậm chí thực tế là không hề có quả bóng nào cả, mà chúng ta chỉ nhìn nhận sự tồn tại của nó như vậy vì có thứ gì đó kích thích hệ thống giác quan của tất cả chúng ta theo cùng một cách thì sao?
Và nếu không phải chỉ một quả bóng, mà mọi thứ xung quanh chúng ta, mọi thứ chúng ta có thể cảm nhận bằng các giác quan đều không thực sự tồn tại, hoặc không thật sự như chúng ta thấy, thì có phải toàn bộ vũ trụ cũng chỉ là một hệ thống giả lập hay không?
Và cuối cùng, nếu như vậy thì bạn thậm chí có thể tiến xa hơn nữa khi giả định rằng chỉ có bạn – phải, chính bạn – là ý thức duy nhất thực sự tồn tại, còn mọi thứ xung quanh – bao gồm cả những con người khác – đều chỉ là những mô phỏng đang tương tác để gây ra cảm giác – và thậm chí cảm xúc – của bạn, giống như những NPC trong một game mà bạn đang là nhân vật chính?
Tôi đã từng nghĩ tới ý tưởng đó. Tuy nhiên, tôi đã phải tạm thời ngăn chặn sự phát triển của ý tưởng này. Nếu bạn đang nghĩ theo hướng đó vì gợi ý mà tôi vừa nêu, tôi khuyên rằng cũng nên tạm đặt nó sang một bên, vì sự phát triển không kiểm soát của nó có thể làm tăng tính ích kỷ và thậm chí … vĩ cuồng. Dù vậy, chúng ta vẫn sẽ quay lại với nghi vấn rằng liệu thế giới mà chúng ta đang trải nghiệm có đúng là thực tại hay không.
…
Có một thực tế là: Mọi thứ mà bạn biết về thế giới đều tới từ các giác quan. Hình ảnh, âm thanh, mùi vị, … của một vật thể hay thậm chí con người nào đó đều tới với bạn dưới dạng những tương tác (hầu hết là tương tác điện từ, nếu nói một cách sâu xa dưới góc độ vật lý). Các giác quan của bạn là những thiết bị thu nhận những tương tác này, và chuyển chúng thành tín hiệu cho bộ não. Về cơ bản thì bộ não và hệ thần kinh của chúng ta (loài người trên Trái Đất) có cấu trúc tương tự nhau, và vì thế chúng ta nhìn nhận thế giới một cách gần như giống nhau (Tôi nói là “gần như”, vì hiển nhiên là chúng ta không thể giống nhau hoàn toàn, dù có bỏ qua đặc điểm tính cách, sở thích, cảm xúc, … Bạn không thể biết chắc cái mà bạn thấy là màu đỏ thẫm thì trong mắt người khác nó thẫm tới mức nào, có như cái mức độ bạn nhìn nhận hay không, …). Cũng chính vì sự tương đồng đó, nếu như có thứ gì đó đánh lừa giác quan của chúng ta, thì nó cũng có thể dẫn tới hệ quả tương đương đối với tất cả mọi người.
Chẳng hạn, khi một đứa trẻ còn đủ nhỏ để chưa nhận thức rõ nét được sự khác biệt giữa thế giới bên ngoài và thế giới trên màn hình, người ta cho nó xem Tom & Jerry và nói với nó rằng con mèo Tom đó là một con mèo mà khi chui vào trong màn hình thì nó sẽ trở thành như vậy, thì nó sẽ tin là vậy. Nếu tất cả mọi đứa trẻ cùng độ tuổi đó ở một khu phố hàng ngày đều được xem và được chỉ cho như vậy, thì khi gặp nhau để chơi đùa, chúng sẽ tả về con mèo mà chúng biết theo cách rất giống nhau.
Một ví dụ khác: Tôi có một người bạn bị một căn bệnh về sức khỏe tâm thần. Cậu ta có thể nhìn thấy những người không hề tồn tại, nghe được họ nói, thậm chí cảm thấy đau và nghẹt thở khi bị một người không tồn tại như vậy bóp cổ. Bạn có thể thấy trường hợp tương tự như vậy nếu từng xem phim “A beautiful mind” – bộ phim nói về cuộc đời của thiên tài toán học John Nash (và là một bộ phim tuyệt vời với diễn xuất của Russel Crowe và Jennifer Connelly, theo quản điểm của tôi). Như bạn có thể thấy – nếu xem bộ phim đó, một bộ não thiên tài cũng có thể bị một hội chứng như vậy. Đó là khi các giác quan đánh lừa và truyền tới bộ não những thông tin không hoàn toàn chính xác.
Vậy thì, nếu như không phải chỉ có John Nash hay cậu bạn đáng thương của tôi, mà trên thực tế là tất cả chúng ta đều đang trải nghiệm một thế giới không thực sự như chúng ta nghĩ – nhưng chúng ta lại nghĩ rằng mình cảm nhận đúng là vì hệ thống thu và phân tích tin hiệu của chúng ta hoạt động giống nhau – thì sao?
Đây là một câu hỏi hóc búa mà có thể sẽ còn rất, rất lâu nữa mới được giải đáp, hoặc cũng có thể là không bao giờ.
Vấn đề của giả thuyết này là như vậy thì mọi thứ quá phức tạp. Trong khoa học, một mô hình hợp lý là một mô hình giải quyết được nhiều vấn đề nhất nhưng lại đơn giản nhất có thể. Khó mà tin được rằng thế giới vô cùng phức tạp chúng ta đang sống lại chỉ là một mô phỏng, hoặc một hình chiếu không hoàn chỉnh của một hệ thống khác. Vì như vậy thì cái hệ thống khác, cái “thực tại đích thực” đó lại phải phức tạp hơn nhiều lần nữa.
Mặt khác, nếu như thực sự có một thực tại đích thực nằm ngoài khả năng nhận thức của hệ thần kinh chúng ta, thì việc tìm kiếm và xác minh nó có khả thi hay không?
Xin phép được quay lại với chủ đề này vào một lần khác!
Các thông số của ống kính (len) quyết định cách nó thu thập ánh sáng và tác động đến hình ảnh chụp
Các thông số của ống kính (len) quyết định cách nó thu thập ánh sáng
Th2
các loại len ( ống kính máy ảnh ) và ý nghĩa
Trong nhiếp ảnh, “len” hay ống kính là một trong những thành phần quan trọng
các thông số chụp ảnh và ý nghĩa
Các thông số chụp ảnh quan trọng bao gồm khẩu độ, tốc độ màn trập,
Phân biệt các dòng máy ảnh canon từ năm 2010
Từ năm 2010 trở lại đây, Canon đã giới thiệu nhiều mẫu máy ảnh thuộc
Những hố đen siêu đặc biệt trong vũ trụ
Hố đen lớn nhất Gần như tất cả thiên hà đều chứa các hố đen
Th5
Điều đặc biệt ở vũ trụ – hố đen vũ trụ
Lỗ đen hay hố đen (tiếng Anh: black hole), là một vùng không-thời gian nơi
Th5