THAM VỌNG VÀ ÍCH KỶ

(Một trao đổi sâu hơn về nội dung tôi từng nhắc tới gần đây)

Có lẽ đã không dưới 20 lần tôi nhận được những lý thuyết, mô hình có tham vọng lật đổ lý thuyết khoa học này hay phương pháp nghiên cứu kia (để nhờ tôi đọc và giới thiệu giúp).

Một vài tác giả trong số đó tỏ ra thô bạo và thậm chí … thô bỉ khi ngay tức khắc chửi bới cộng đồng khoa học và … chửi luôn cả tôi khi tôi nói họ sai ngay từ đầu khi mà họ đang cố phản bác cái họ còn chưa cả hiểu chính xác. Một số khác thì nhã nhặn hơn, và thậm chí có những lúc tôi cũng sẵn lòng làm bạn với họ vì ít ra thì cũng cho rằng họ thực sự yêu khoa học. Nhưng đáng tiếc, ngay cả những người như vậy thì cũng sớm khiến tôi … mất hứng để tiếp chuyện, nếu không muốn nói là khiến tôi coi thường – không phải vì kiến thức của họ không đủ cao hay ý tưởng của họ điên rồ và ngớ ngẩn, mà là vì họ chỉ có thứ tham vọng cá nhân và tầm thường.

Một tham vọng đáng giá hay tầm thường không nằm ở chỗ cái đích của nó là cao hay thấp đối với một cá nhân, mà ở chỗ nó hướng tới giá trị có phổ quát hay không.

Những người tôi đã gặp như nói trên, chưa bàn tới việc những ý tưởng họ đưa ra có giá trị hay không, đều chỉ có tham vọng thể hiện bản thân, tham vọng được người khác tôn vinh và ngưỡng mộ. Họ muốn lật đổ vĩ nhân này, học thuyết khoa học kia, thậm chí mơ tới giải Nobel vật lý hay hóa học gì đó, cũng đều là vì như vậy. Họ không tìm hiểu vì tri thức thuần túy và không phát triển ý tưởng của mình vì nghĩ tới nhân loại. Giả sử những lý thuyết họ đưa ra có sai be bét đi nữa nhưng nếu như có một thằng ngu nào đó đủ thẩm quyền hay một thể chế xã hội nào đó sẵn sàng tôn vinh họ và mang những cái đó ra ứng dụng, đặt tên họ vào cái này hay cái kia, để rồi những tòa nhà cao tầng sẽ sụp đổ vì không còn áp dụng định luật của Newton hay người ta sẽ chết hàng loạt vì ứng dụng sai các nguyên lý về điện, thì họ cũng vẫn thấy hãnh diện và hạnh phúc như thường.

Thực ra đặc điểm này chẳng có ở riêng những người có hơi hướng … vĩ cuồng như vậy, mà ở những người khác đang làm khoa học tôi từng gặp cũng khá phổ biến. Họ cần thành tích và vị trí để khoe khoang hơn là cần tạo ra giá trị cho nhân loại. Một số … am hiểu và hiện đại hơn thì tỏ thái độ coi thường bằng cấp nhưng rồi cuối cùng lại khoe những publication ở nơi này nơi kia như một cách để thể hiện trình độ của mình. Tất nhiên, những nghiên cứu của họ có lẽ cũng có giá trị, một số thậm chí rất có giá trị, nhưng cái tôi muốn nói tới ở đây là động cơ của họ khi làm việc đó. Không ai không có tham vọng cho bản thân cả, nhưng nếu ngoài nó ra không còn mục tiêu gì khác hoặc những mục tiêu khác bị xếp quá thứ yếu, thì tôi coi đó là sự tầm thường.

Với những lĩnh vực khác (không phải khoa học), mọi việc cũng không khác bao nhiêu cả. Chính vì người ta quá chú trọng cái mục tiêu duy nhất cho bản thân (chẳng hạn: phải kiếm được bằng này tiền, phải leo lên được ví trí kia trong vòng X năm gì đó), nên ở một thời điểm nào đó nhiều người TỪNG là người tử tế cũng có thể thỏa hiệp với chính mình để trở thành một kẻ cơ hội, vụ lợi, chà đạp lên lợi ích của người khác. Khi đã tự thỏa hiệp, họ sẽ luôn có lý do cho chính mình để tin rằng mình không làm gì sai, và nếu có đi chăng nữa thì cứ vào chùa thắp hương hay đi bố thí từ thiện ở đâu đó là họ sẽ rửa sạch hết và lại xứng đáng được lên thiên đường. Cứ nhìn xã hội của chúng ta ngày nay xem, bạn sẽ thấy điều đó. Và chính bạn, nếu lúc này bạn vẫn cảm thấy mình là người tử tế, thì hãy cứ cẩn thận, và nhớ tới điều tôi nói hôm nay nếu một ngày bạn thấy sự thỏa hiệp đang lóe lên trong tâm trí của mình.

Khoảng 10 năm trước và trước đó nữa, tôi nói với bạn bè của mình rằng tham vọng của tôi là thay đổi thế giới. Đó là một phát ngôn khá ngông cuồng! Vào giai đoạn đó, tôi cũng có nhiều nỗ lực với công việc của mình, và cũng có nhiều lúc tôi nghĩ tôi sẽ làm được cái gì đó để người ta phải kính nể và thừa nhận tôi (còn những kẻ vốn căm ghét tôi sẽ phải thấy xấu hổ hoặc e sợ). Nhưng rồi tôi nhận ra như vậy thì nào có phải tôi muốn thay đổi thế giới, mà là tôi muốn sự thừa nhận đấy chứ.

Tới bây giờ tôi vẫn tham lam và ích kỷ – những điều mà nếu có thể loại bỏ hết thì hoặc là tôi chẳng phải con người, hoặc là tôi đã mắc một chứng bệnh trầm trọng nào đó về thần kinh. Tất nhiên, tôi luôn có những mục đích cá nhân thuần túy của mình. Tôi chỉ đơn giản là biết cân bằng mọi mục tiêu, biết gạt đi những suy nghĩ cá nhân khi nó không cần thiết hoặc tệ hơn là gây ra những hệ quả không mong muốn. Tôi không cần phải phát ngôn một cách ngông cuồng nữa, dù sự kiêu ngạo thì vẫn còn y nguyên. Tôi vẫn đang thay đổi thế giới, dù nó không được mạnh mẽ như tôi từng nghĩ, vì thế có lẽ tham vọng của tôi là một lúc nào đó sẽ tìm ra một cách để thay đổi thế giới này nhanh hơn.

 

Loading

Rate this post