VỀ SỰ THẲNG THẮN VÀ KHÁCH QUAN

Như có chia sẻ gần đây, tôi đang viết một cuốn sách mới về giá trị của khoa học, cách tư duy và tinh thần khoa học. Trong sách này, tôi sẽ hơi động chạm tới niềm tin và hệ thống tư duy của khá nhiều người, thậm chí … ngay cả người thân của tôi cũng có một chút trong đó. Việc đó làm tôi bỗng nhớ tới việc gần đây có lần có độc giả hỏi tôi cảm thấy sao khi biết ngay cả khi tôi không nhắc đích danh thì cũng nhiều người thân, đồng nghiệp hay bạn bè hiểu hoặc suy diễn rằng những phê phán xã hội của tôi đang nhắm vào họ.

Tôi thấy bản thân việc này cũng khá thú vị và chắc chắn tôi cũng sẽ nói về nó trong cuốn sách của mình, như một số lần tôi từng trao đổi sơ qua trước đây: sự khách quan của tư duy khoa học.

Không phải tôi chưa từng gặp rắc rối vì cái sự thẳng thắn và khách quan của mình. Ngày còn làm nhân viên ở một số doanh nghiệp, tôi từng phải unfriend hoặc block toàn bộ đồng nghiệp cho nhẹ nợ vì họ bình phẩm theo hướng tiêu cực những phát ngôn của tôi. Thật ra loại rắc rối này thì tôi chẳng ngán (ba lần gần nhất mà tôi làm thuê cho nơi nào đó đều là lãnh đạo cao nhất ở đó mời vào chứ tôi còn chưa cả từng cho họ xem tới cái CMND/CCCD nói gì tới CV hay đơn xin việc, và khi đi cũng là tôi tự đi khi đã thấy hết động lực), đơn giản là tôi không thích mất thì giờ và ngứa mắt với những loại đồng nghiệp đó. Rắc rối tôi gặp nhiều nhất vì cách phát ngôn của mình là với mẹ tôi khi bà còn sống (ngày đó thì tôi ngông cuồng và phát ngôn mạnh hơn bây giờ khá nhiều). Mẹ tôi là người thấm khá nặng tư duy có màu sắc nho giáo và cả những cái khẩu hiệu người ta hay hô hào thời mới thống nhất. Do đó, bà luôn cho rằng tôi là kẻ kiêu ngạo, ngông cuồng, tự cao một cách quá đáng. Còn tôi thì lại nghĩ là tôi kiêu ngạo một cách … vừa đủ – tức là tôi không nhận về mình những cái năng lực mà tôi không có, nhưng nếu cái gì đó mà tôi biết chắc là tôi giỏi thì đừng ai hi vọng tôi sẽ nói những câu như là tôi kém lắm, tôi sao bằng được người này người kia. Nói dối về năng lực của mình không phải cũng là giả dối sao?

Dù sao, ngay cả những rắc rối với chính người thân của mình cũng không khiến tôi thay đổi cách tư duy và thể hiện của mình – có chăng, tôi đã bớt nặng lời lại vì không muốn làm tổn thương những người thân với mình.

Khác với nhiều người thường ngộ nhận, tôi chẳng hề nghĩ ai cũng phải thông thạo về thiên văn, vật lý hay toán học. Thậm chí, một kẻ kiêu ngạo như tôi vừa tự nhận thì hẳn rằng thừa hiểu với cái mà tôi thực sự giỏi thì những người không thực sự theo đuổi nó kém tôi rất xa là lẽ hiển nhiên, chẳng có gì khó hiểu cả. Ngược lại, tôi gần như mù tịt về y khoa và chứng khoán, cũng như chẳng nhớ tên bất cứ ông nào trong bộ chính trị (trừ những ông hay thấy bị dân chửi). Tôi chẳng việc gì phải ra vẻ tôi hiểu về những cái tôi mù tịt đó, tôi không thấy xấu hổ chút nào và không ngần ngại khi đôi khi hỏi bạn bè những điều sơ đẳng nhất về chúng khi tôi cần tới. Tôi không đánh giá thấp trí tuệ của người khác vì họ không biết về một lĩnh vực chuyên môn nào đó, mà chỉ đánh giá thấp khi: 1- họ không có khả năng tư duy logic sơ đẳng, và 2- họ thích nói/thể hiện/bốc phét hay thậm chí dạy dỗ người khác về chính cái họ không biết rõ (mà thực sự thì ở Việt Nam, loại người này siêu nhiều). Nếu có lỡ nhận ra những người ở gần mình (họ hàng, bạn bè lâu năm, …) thuộc nhóm người đó, tôi chỉ đơn giản là cố gắng không thể hiện ra hay thậm chí cố quên nó đi nếu điều đó không có gì nghiêm trọng – để không cần phải nghĩ xấu về họ. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi sẽ phải tránh việc nhắc tới những thói xấu hay sự hạn chế về tư duy cả ở những nơi khác mà sợ họ đoán già đoán non.

Xã hội làm sao phát triển được nếu cứ nói bất cứ sự thật nào dù là gián tiếp cũng sợ động chạm vào ai đó? Làm sao phát triển khi cả xã hội được bao phủ bởi những lời nói dối với cái lý do cần được lòng nhau?

Một câu chuyện khác nhưng chung chung hơn về tôi là trong công việc của mình, tôi cũng có những cộng sự mà tôi chỉ gặp khi cùng làm việc và có những người tôi quí mến như những người bạn thân. Nhưng ngay cả những người thân nhất với tôi đôi khi cũng không thể phân định và hiểu cho rõ rằng khi tôi nổi giận với họ trong công việc không có nghĩa là suy nghĩ của tôi về họ ở ngoài đời thay đổi, hay ngược lại nếu tôi có vui vẻ khi tán gẫu với ai đó ở quán café hay trên bàn nhậu thì cũng không có nghĩa là tôi sẽ dễ dãi hơn trong bất cứ thứ gì liên quan tới công việc. Cho dù tôi có thử giải thích, không nhiều người tin vào cái sự khách quan của tôi, vì họ thường viện vào cái câu ngụy biện quan thuộc ở Việt Nam rằng đã là con người thì phải thế này thế kia. Ấy thế mà ở những xã hội phát triển hơn, vẫn cứ đầy người khách quan được như thế đấy. Đâu phải con người không làm được, mà là những con người không muốn cố gắng và hi sinh thì không làm được thôi, và những người đó thì lại thường muốn cào bằng và kéo những người đã làm được xuống cho giống mình.

Như đã có lần từng nói, tôi thậm chí còn chẳng có cảm xúc gì khi ai đó nói họ có quê ở tỉnh/thành nào hay thậm chí quốc tịch nào. Với tôi, chỉ có loại người có thể làm việc cùng, chơi cùng hay kết thân với tôi, và loại người không thể những thứ đó, chứ không có khái niệm địa phương hay sắc tộc. Khi bạn có thể khách quan tới mức độ đó, bạn sẽ thấy mọi thứ đều dễ hiểu và việc nghĩ xem bạn sẽ cư xử ra sao với xã hội hay sẽ lựa lời ra sao trong từng câu chữ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Đó là những gì tôi muốn trao đổi hôm nay, và bạn sẽ đọc nhiều hơn về những thứ như thế nếu tôi sớm có dịp giới thiệu cuốn sách đang viết dở của mình!

 

Loading

Rate this post