Chămpa – Đại Việt, những cuộc chiến tranh giữa hai thế lực đầy tham vọng

Chămpa – Đại Việt, những cuộc chiến tranh giữa hai thế lực đầy tham vọn

 

Lịch sử dựng nước và giữ nước của vương quốc Chămpa gắn liền với những cuộc chiến tranh liên miên với các quốc gia láng giềng để giành quyền lợi. Trong đó, có nhiều lần họ đã giao tranh với người Việt và chiến thắng…

 

Trải qua các triều đại từ Lâm Ấp – Hoàn Vương (Simhapura) – Indrapura cho đến Chiêm Thành và những triều đại về sau, không thời nào mà người của Vương Quốc Chămpa lại không có những cuộc chiến tranh, phía Bắc họ chống Đại Việt, phía Nam gây hấn Chân Lạp, phía tây lại nhiều lần đánh nhau với vương quốc ĂngKo.

 

Tuy mạnh yếu mỗi thời mỗi khác, chiến tranh cũng có lúc thắng lợi vinh quang mà có khi thất bại nhục nhã nhưng có thể nói chính những cuộc chiến tranh không ngừng nghỉ của vương quốc này đã làm suy kiệt sức người sức của của đất nước. Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh qua nhiều thời kỳ với người Việt là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự tiêu vong của một dân tộc từng đạt đến đỉnh cao rực rỡ của một nền văn minh tiêu biểu trong khu vực Đông Nam Á.

 

Các sử liệu của người Việt hiện nay đã có chép rõ về sự bang giao cũng như quá trình tranh đấu giữa hai dân tộc Việt – Chăm trong suốt chiều dài lịch sử. Theo đó, cuộc chiến đầu tiên giữa hai quốc gia nói trên diễn ra dưới thời vua Lê Đại Hành và vua Indravarman IV.

 

Năm Nhâm Ngọ 982, sau khi lên ngôi được một thời gian, nhận thấy vùng đất phía Nam đang không được yên ổn do bị người Chăm liên tục quấy phá, vua Lê Đại Hành đã đích thân đem quân đi phạt tội vua Chăm, trong lần đánh nhau này, quân đội Đại Việt đã không gặp bất kỳ trở ngại lớn nào và nhanh chóng đánh thẳng vào kinh đô Indrapura của Chiêm Thành lúc bấy giờ (Chiêm Thành là từ gọi theo người Trung Quốc).

 

Vua Chiêm là Indravarman IV phải chủ động xin nghị hòa, chịu xưng thần và chấp nhận triều cống hằng năm cho triều đình nhà Lê. Như vậy trong cuộc chiến tranh biên giới lần đầu tiên này, người Việt đã giành được thắng lợi to lớn, tuy không chiếm giữ đất đai của Vương quốc Chămpa nhưng cũng biến họ thành một nước chư hầu của ta.

 

Năm 986, vua Chiêm là Indravarman IV mất, một vị tướng của ông là Cu Thi Lị Ha Thân Bài Ma La lên nắm quyền lấy hiệu là Ku Cri Harivarman II đóng đô ở Vijaya (người Việt gọi là Phật Thệ tức thành Chà Bàn Bình Định ngày nay). Lúc này nội bộ triều đình Chămpa không được đoàn kết, thế nước đang suy yếu. Vua Lê Đại Hành biết rõ điều này nên lập tức đưa quân đánh chiếm châu Địa Lí (thuộc Quảng Bình ngày nay), biến Địa Lí thành một vùng đất của người Việt. Như vậy, châu Địa Lí là vùng đất đầu tiên mà người Việt chiếm giữ trong cuộc nam chinh mở rộng lãnh thổ của mình.

 

Quan hệ giữa Chămpa với người Việt dưới thời tiền Lê ngoài cuộc chiến tranh đầu tiên của Lê Hoàn với Indravarman IV thì nhìn chung đều diễn ra tốt đẹp, Chiêm Thành lúc này là một nước nhỏ, phải hòa hoãn xưng thần và thực hiện triều cống hàng năm với Trung Hoa và Đại Việt.

 

Năm 992, vua Lê Đại Hành đã sai Phụ Quốc Ngô Tử An đem 3 vạn người mở một con đường bộ đi vào đất Chiêm Thành, con đường này kéo dài từ cửa biển Nam Giới (Hà Tĩnh ngày nay) đến châu Địa Lí mà vua mới chiếm được. Đây là con đường bộ đầu tiên nối liên hai quốc gia Việt – Chăm, mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ giữa hai dân tộc láng giềng này.

 

Từ triều đại nhà Lý của người Việt trở đi, mối quan hệ của hài quốc gia Việt – Chăm bắt đầu có sự rạng nứt do tham vọng của cả hai bên. Về phía Đại Việt lúc này đã là một quốc gia ổn định và cường thịnh, các triều đại nối tiếp nhau luôn có nhu cầu mở rộng lãnh thổ để đưa nước mình lên một vị thế mới.

 

Nước Đại Việt phía Bắc giáp Trung Hoa hùng mạnh, phá Đông là biển cả và phía Tây là rừng núi, chính vì thế chỉ có vùng đất phía Nam là nước Chiêm Thành mới đáp ứng được tham vọng bành trướng lãnh thổ của các triều đại phong kiến Việt Nam.

 

Về phía người Chiêm, lịch sử đã cho thấy họ là một dân tộc có truyền thống hiếu chiến và luôn muốn gây hấn xâm lăng ra bên ngoài để bù đắp cho sự nghèo nàn trong nước.

 

Không những thế, đối với người Việt, người Chăm còn giữ cái hận giết vua, tàn phá kinh đô từ trước nên đã tìm cách thần phục và dựa dẫm vào uy thế của đế quốc Trung Hoa, điều này gây nên sự tức giận với các vua Đại Việt.

 

Từ chính những nguyên nhân này đã gây nên những cuộc chiến tranh liên miên của hai quốc gia này trong suốt một thời gian dài qua nhiều thế kỷ, chiến trường trải dài từ dải đất Hoành Sơn đến vùng biên giới Chân Lạp.

 

Từ khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi, nước Chiêm chỉ sai sứ triều cống một lần vào năm Thuận Thiên thứ 2 (1011) rồi sau đó không triều cống nữa. Nhà vua ắt hẳn rất giận dữ về điều đó nên đã sai quân tấn công vào lãnh thổ Chiêm Thành.

 

“Đến năm Thuận Thiên thứ II (1020) vua sai Khai Thiên Vương Thái Tử Phật Mã và Đào Thạc Phu đem quân đánh Chiêm Thành ở trại Bố Chánh; đến núi Long Tị, chém được tướng Chiêm là Bố Linh. Bấy giờ ở Chiêm Thành, cuối đời vua Virantavarman IV, nội tình hỗn loạn, nhiều cuộc tranh giành, xâu xé trong hoàng gia xảy ra, nên có nhiều nhân vật chạy sang triều đình nhà Lý lánh nạn…Năm sau (1040), người coi trạm Bố Chánh của Chiêm là Bố Linh, Bố Kha, Lan Đà Tinh đem bộ hạ hơn 100 người xin quy phụ.”

 

Năm Minh Đạo thứ 2 (1043), Vương quốc Chăm-pa lại làm loạn, liên tục cho quân quấy nhiễu vùng biên giới nước ta, vua Lý Thái Tông phải sai Đào Tử Trung đi đánh dẹp. Cũng nhân lí do đó và được sự đồng tình của quần thần trong triều, đến năm Minh Đạo thứ 3 (1044) vua Thái Tông cất quân đánh Chiêm Thành, lần thân chinh của vua lần này trước là để tỏ uy thế của mình và sau là để thực hiện cái mưu đồ bành trướng lãnh thổ mà các triều đại trước đã đặt nền tảng.

 

Xét theo quy luật của lịch sử các quốc gia phong kiến thì sự tranh giành lãnh thổ và quyền lực hay thôn tính lẫn nhau của các triều đại âu cũng là chuyện tất yếu phải có.

 

Xuất quân lần này, vua tôi Đại Việt đánh đâu thắng đó, chẳng mấy chốc đã đánh thẳng đến kinh đô Phật Thệ (Vijaya) của Chiêm Thành, bắt cả triều đình vua Chiêm, thu được rất nhiều vàng bạc châu báu và tù binh.

 

Sau khi về kinh sư ăn mừng chiến thắng, “vua xuống chiếu cho các chiến tù Chiêm, theo từng bộ thuộc, đến ở trấn Vĩnh Khương thẳng đến Đăng Châu lập ra làng, ấp, theo danh hiệu vua cũ Chiêm Thành mà đặt tên.”

 

Cuối năm 1061, Rudravarman III lên ngôi vua ở Chiêm Thành (người Việt quen gọi là Chế Củ), ngoài mặt thì giả vờ thần phục, sai người sang dâng lê vật và triều cống hàng năm cho triều đình vua Lý Thành Tông nhưng trong lòng lại hết sức căm giận và quyết chí báo thù Đại Việt.

 

Năm 1068, vua Chế Củ của Vương quốc Chăm-pa lại cho quân quấy phá vùng biên giới nước ta, vua Thánh Tông nhân cớ đó đã quyết định xuất binh phạt tội người Chiêm. “Năm Kỉ Dậu, Thiên Hướng Bửu Tượng năm thứ 2 (1069), tháng 2, ngày Mậu Tuất vua xuống chiếu thân chinh, chọn Lý Thường Kiệt làm nguyên soái, đi tiên phong, đem 5 vạn quân. Ngày Canh Dần, xuống chiếu xuất quân, đi đường thủy. Đến cửa Nhật Nam thuyền quân bị thủy quân Chiêm chận đánh. Vua sai tướng Đại liêu ban Hoàng kiện đối địch, quân Chiêm thua. Đại quân tiếp tục tiến lên, ghé nghĩ ở cửa Tư Dung, rồi theo bờ biển vào Nam, ngày Bính Tý đầu tháng 3 đến cửa Thị Nại.”

 

Quân đội của vua Thánh Tông nhanh chóng đánh vào kinh đô Trà Bàn, vua Chế Củ bỏ thành chạy thoát thân nhưng cũng nhanh chóng bị quân Đại Việt bắt được, hơn 5 vạn quân Chiêm bị bắt sống.

 

Vua chiếm được kinh đô của Vương quốc Chăm-pa nhưng có lẽ xét thấy chưa đủ lực để trấn giữ nên ra lệnh rút quân về Thăng Long. Vua Chế Củ phải xin dâng ba châu Bố Chánh, Địa Lý, Ma Linh (vùng đất thuộc tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị ngày nay) để được tha về, vua Thái Tông đồng ý và sai quân tiếp quản ba vùng đất này.

 

Sách Đại Việt sử kí toàn thư cũng có chép sơ lược về lần thân chinh này của vua Thánh Tông tuy hơi có khác với Việt Sử lược : “Tháng 2, vua thân chinh Chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và dân chúng 5 vạn người. Trận này vua đánh Chiêm mãi không thắng, đem quân trở về, đến châu Cự Liên nghe tin Nguyên Phi coi việc nội trị, khiến lòng dân hòa hiệp, trong nước yên tĩnh, tôn sùng Phật giáo, nhân dân gọi là nang quan âm, vua nói : “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là đàn ông há không được việc gì hay sao?” rồi vua quay trở lại đánh, bèn thắng”.

 

Từ giai đoạn này trở đi cho đến đầu thời Trần, quan hệ giữa Đại Việt và Chiêm Thành diễn ra tốt đẹp, và vương quốc Chiêm Thành lúc này là một thuộc quốc của Đại Việt. Từ khi vua Trần Thái Tông lên ngôi năm Ất Dậu (1025), vương quốc Chiêm Thành đã nhiều lần sai sứ sang triều công và dâng tặng lễ vật cho Đại Việt , tỏ ý thần phục; đồng thời lại có lúc quấy nhiễu vùng ven biển và các vùng đất đã cắt nhượng cho Đại Việt vào các năm 1257 – 1266.

 

Từ khi vua Trần Anh Tông lên ngôi (1293), quan hệ hai nước Việt – Chăm bước vào thời kỳ hòa bình và mối bang giao có phần tốt đẹp hơn trước. Trong giai đoạn này, bên phía Chiêm Thành đang là thời gian trị vì của vua Chế Mân (Jaya Simhavarman), nhà vua đã nhiều lần sai sứ sang giao hảo và tặng lễ vật mừng vua Anh Tông của nước Việt, đây cũng là thời điểm diễn ra những chuyến đi của Thượng hoàng Nhân Tông sang thăm vương quốc láng giềng trên danh nghĩa du lịch (1301) nhưng thực chất là để tiếp xúc tạo mối quan hệ bền chặt với quốc gia này.

 

Năm 1306, một cuộc hôn nhân chính trị rầm rộ trong lịch sử dân tộc đã diễn ra khi thượng hoàng Nhân Tông hứa gả con gái của mình là công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Chế Mân. Đổi lại, vua Chiêm đã dùng hai châu Ô và châu Lý để làm sính lễ, cuộc hôn nhân này có thể xem là môn đăng hộ đối giữa hai quốc gia và cũng là chiếc cầu nối cho nền hòa bình của hai dân tộc, xóa bỏ những hiềm khích, hận thù trước đó để hai dân tộc có thể bắt tay nhau tạo ra mối bang giao tốt đẹp, mang lại lợi ích cho cả đôi bên.

 

Ngay khi công chúa Huyền Trân vừa về làm hoàng hậu nước Chiêm thì dân Việt ở châu Hoan (Thanh Hóa) và châu Ái ( Nghệ An) cũng nhanh chóng kéo nhau vào tiếp quản hai châu Ô, Lý của Chiêm Thành. Năm 1307, vua Anh Tông cho đổi hai châu Ô, Lý thành Thuận Châu và Hóa Châu, chọn người trong dân chúng để làm quan, vua còn sai quan Hành khiển Đoàn Nhữ Hài vào kinh lý và cai trị vùng ấy, thực hiện các chính sách an dân. Nhân dân ta thường gọi chung hai vùng ấy là châu Thuận Hóa (địa bàn chủa 2 châu Thuận – Hóa kéo dài từ huyện Hải Lăng của Quảng Trị đến huyện Duy Xuyên của Quảng Nam ngày nay). Như vậy, sau cuộc hôn nhân chính trị này, người Chiêm đã mất đi một vùng đất rộng lớn có tầm chiến lược về quân sự, thương mại và mất cả vùng đất được xem là thánh địa của dân tộc Chăm là Amaravâti, Indrapura. Lãnh thổ của nước Việt cũng được mở rộng đến phần lớn tỉnh Quảng Nam trong thời gian này.

 

Việc mất hai vùng đất quan trọng của mình vào tay Đại Việt chỉ bằng một cuộc hôn nhân của nhà vua đã khiến cho toàn thể nhân dân Chămpa không được vui và vẫn ngấm ngầm chống đối sự sát nhập đất đai này. Năm 1307, vua Chế Mân mất, tạo ra một giai đoạn không hay trong mối quan hệ Việt – Chăm. Theo các sách Đại Việt sử kí toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Việt Nam Sử Lược thì theo tục lệ của người Chăm khi vua chết thì hoàng hậu và các phi tử đều phải thác theo để tròn đạo, vua Anh Tông nghe tin ấy thì lo sợ bèn sai tướng của mình vào đất Chiêm tìm kế giúp công chúa Huyền Trân thoát nạn. “Huyền Trân công chúa lấy Chế Mân được một năm thì mất, mà theo tục Chiêm Thành, hễ khi vua chết, thì các hậu phải hỏa táng theo. Anh Tông được tin ấy, sai Trần Khắc Chung giả mượn tiếng vào thăm để tìm kế đưa công chúa về”.

 

Cuộc đào tẩu ngọn mục của Trần Khắc Chung và công chúa Huyền Trân đã làm cho lòng dân Chiêm Thành hết sức bất bình, họ cảm thấy đó là điều sỉ nhục với dân tộc mình nên caem tức muốn đòi lại hai châu Ô, Lý mà vua Chế Mân đã dâng cho Đại Việt làm sính lễ. Ngay sau khi vua Chế Mân chết, con trai là Chế Chi lên thay (tức Cri Jaya Simhavarman IV), ngoài mặt thì vị vua mới của Chiêm vẫn tỏ vẻ thần phục nhà Trần nhưng kì thực trong lòng lại đầy phản trắc. Biết được điều đó, năm Hưng Long thứ 19 (1311), vua Anh Tông sai các tướng đi đánh Chiêm Thành, nhà vua đích thân ngự giá cùng Huệ Võ Vương Quốc Chấn, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, Minh Hiến vương Uất và tướng quân Phạm Ngũ Lão ra quân.

 

Quân tướng nhà Trần với oai danh ba lần đạp tan sự xâm lược của Mông-Nguyên đã làm cho nước Chiêm khiếp sợ, quân Đại Việt đi đến đâu thì người Chiêm đầu hàng đến đấy, tướng quân Đoàn Nhữ Hài lập công lớn trong lần xuất hinh này, không đánh mà khuất phục được Chiêm Thành. Vua Chiêm Chê Chi bị bắt giải về Thăng Long, nhà Trần lập em của Chê Chi là Chế Năng (Chế Đa A Bà Niê) lên làm vua có quyền coi việc nước. Để vỗ về nhân dân Chiêm Thành và tạo dựng mối quan hệ bang giao hòa hão với họ, vua Anh Tông đã phong Chế Chi tước Hiệu Trung vương (sau là Hiệu Thuận vương) , vương được bố trí ở tại hành cung của vua Trần ở Gia Lâm đến năm 1313 thì mất. “Năm Hưng Long thứ 21, Xiêm La lấn cướp Chiêm Thành, vua Anh Tông sai An phủ sứ Đỗ Thiên Hư làm kinh lược sứ đi kinh lược Nghệ An và Lâm Bình để sang cứu Chiêm Thành.”

 

Sau khi quân Đại Việt rút đi, vua Chiêm Chế Năng ra sức ổn định tình hình trong nước, nhân việc lòng dân đang hết sức oán hận người Việt, Chế Năng đã cho quân quấy nhiễu cướp phá vùng biên giới. Năm 1314, thừa dịp vua Minh Tông nhà Trần mới lên ngôi còn phải đang lo nhiều việc quốc sự, Chế Năng đã xua quân tái chiếm hai châu Ô, Lý.

 

Không bao lâu sau, vào năm Đại Khánh thứ 5 (1318), Huệ Võ vương Trần Quốc Chân nhận lệnh vua Minh Tông cất quân sang phạt tội người Chiêm lộng hành, đánh nhau vài trận, quân Chiêm thua to, ta đánh đến kinh đô của họ, buộc vua Chế Năng phải bỏ chạy sang nước Qua Oa ( tức Java) lánh nạn. Như vậy với sự thất bại này của Chê Năng, vương triều thứ XI nước Chiêm đã chấm dứt. Tháng 6 năm 1318, quân Đại Việt lại tiếp tục đánh vào vùng Cổ Lũy động (phía Bắc Quãng Ngãi ngày nay) nhưng không được phải quay về.

 

Năm 1360, Chế Bồng Nga lên ngôi vua ở đất Chiêm Thành, bắt đầu xây dựng lại đất nước, mở ra một thời kỳ phú cường của vương quốc Chămpa. Năm 1361,vua Chiêm Chế Bồng Nga đem một đạo quân lớn theo đường biển đánh vào cửa biển Đà Lý thuộc phủ Lâm Bình nhưng nhanh chóng thất bại. Năm sau quân Chiêm Thành lại đến cướp phá vùng này, vua Trần Dụ Tông phải cho phòng giữ nghiêm ngặt để giữ vững vùng Hóa châu. Năm Đại Trị thứ 9 (1366) Chiêm Thành lại vào đánh cướp phủ Lâm Bình, bị Tri phủ lầ Phạm A Song đánh đuổi phải rút về.

 

Năm Đại Trị thứ 10 (1367), vua Trần sai Minh Tự Trần Thế Hưng làm Thống quân hành khiển đồng tri Thượng thư tả ty sự, Đỗ Tử Bình làm phó tướng đi đánh Chiêm Thành. Đời vua Duệ Tông lại sai dân mở đường từ Cửu Chân đên Hà Hoa để chuẩn bị đánh Chiêm Thành. Những lần xuất binh này không mang lại kết quả gì lớn lao mà còn mang lại thất bại nặng nề cho quân Đại Việt. Năm 1377, vua Duệ Tông tử trận ở thành Đồ Bàn, quân ta thua to. Năm 1378, quân Chiêm đánh thẳng vào Thăng Long, vua tôi nhà Trần phải bỏ chạy, quân Chiêm cướp phá nhiều ngày rồi rút về.

 

Đời vua Thuận Tông, vào năm Quang Thái thứ 2 (1389), quân đội Vương quốc Chăm-pa lại tiến đánh Thanh Hóa, vua Trần sai Lê Quý Ly ngăn địch, hai bên đánh nhau một trận lớn, quân Đại Việt thua to. Sau đó quân Chiêm còn thắng nhiều trận nữa, uy thế tăng cao làm triều đình nhà Trần phải khiếp sợ. Vua Trần phải sai Trần Khát Chân làm tướng cự địch, bên phía Chiêm gặp phải nội phản, quân Việt nhờ may mắn mà thắng được, vua Chiêm là Bồng Nga bị chết trận, bị tướng của mình là Nguyên Diệu cắt đầu đem dâng.

 

Lần tiến quân này là thất bại rất lớn của Vương quốc Chăm-pa, chủ tướng Chế Bồng Nga mất, chấm dứt vương triều thứ XII được xem là một trong những vương triều thịnh đạt nhất trong lịch sử của vương quốc Chăm-pa.

 

Theo Đại Việt sử kí toàn thư sau khi Chế Bồng Nga mất rồi, nhà Trần liền cho thu phục lại đất cũ. Tháng 2 năm Quang Thái thứ 4 (1394) sai Lê Quý Ly (sau đổi là Hồ Quý Ly) đem quân đi tuần châu Hóa, xét định quân ngũ, sửa, xây thành trì. Đất từ Hóa Châu trở ra Nghệ An lại về Đại Việt.

 

Năm 1400, Hồ Quý Ly phế bỏ nhà Trần và tự mình lên ngôi vua, đổi tên nước là Đại Ngu. Vua Hồ lúc này đang bị lòng dân chê trách nên rất muốn làm được việc gì to lớn để trấn an thời cuộc, lúc đó ông liền nghĩ đến việc phải đánh Chiêm Thành mở rộng bờ cõi phía Nam. “Năm Nhâm Ngọ (1402) tướng nhà Hồ là Đỗ Mãn đem quân đi đánh Chiêm Thành. Vua nước ấy là Ba Đích Lại sai cậu là Bồ Điền sang dâng đất Chiêm Động (phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) để xin bãi binh. Quý Ly bắt phải dâng đất Cổ Lũy (Quãng Ngãi)”.

 

Về việc này, Đại Việt Sử ký toàn thư cũng ghi chép : “Vua nước Chiêm là Ba Đích lại sợ, sai cậu là Bố Điền dâng voi trắng voi đen mỗi thứ một con và các sản vật địa phương, lại dâng đất Chiêm Động để xin rút quân. Bố Điền đến Quý Ly bắt ép phải đổi tờ biểu là dâng nộp cả động Cổ Lũy. Rồi chia đất ấy ra làm bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt an phủ sứ và phó sứ lộ Thăng Hoa để cai trị, miền đầu nguồn đất ấy thì đặt trấn Tây Ninh. Chiêm Thành thu lấy những dân tiệm cận về nước, còn người ở lại thì bổ làm quan”.

 

“Năm Quý Mùi (1403) nhà Hồ lại muốn lấy những đất Bạt Đạt Gia, Hắc Bạch, và Sa Ly Nha về phía nam những đất đã nhường năm trước, bèn sai Phạm Nguyên Khôi và Đỗ Mãn đem thủy bộ cả thảy 20 vạn quân sang đánh Chiêm Thành. Quân nhà Hồ vào vây thành nhà Hồ hơn một tháng trời mà đánh không đổ, lương thực hết cả, phải rút quân về. Lần này hao binh tổn tướng mà không có công trạng gì”.

 

Họ Hồ chiếm được Chiêm Động và Cổ Lũy thì chia đất làm 4 châu là Thăng, Hoa, Tư , Nghĩa, đặt lộ Thăng Hoa làm thống hạt 4 châu. “Sau khi nhượng đất Chiêm Động và Cổ Lũy cho ta, Chiêm Thành thu lấy những dân cận tiệm đem về nước, còn người ở lại thì dùng làm quân, có lẽ đóng ở biên giới. Như vậy trong đất ấy chắc là không còn nhiều người Chiêm”.

 

Như vậy từ đời nhà Hồ thì vùng đất Chiêm Động và Cổ Lũy lại được sát nhập vào nước ta. Đây là một tổn thất to lớn vì hầu hết những vùng thánh địa trung tâm của văn minh Chămpa đều nằm ở vùng đất này, trong đó có hai kinh đô cũ là Simhapura và Indrapura (tức Đồng Dương và Trà Kiệu). Cũng từ giai đoạn này trở đi, vùng đất Quãng Nam đã chính thức sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt và chịu sự quản lí trực tiếp của chính quyền phong kiến trung ương.

 

Về sau, lợi dụng nước ta vừa trải qua cuộc kháng chiến với nhà Minh, Chiêm Thành đem quân vào đánh phá. Nào ngờ Việt tộc lại sớm phục hưng với nhà Lê. Và nhà Lê từ thời Lê Thái Tông năm 1434, 1444, 1445, Chiêm Thành được lòng nhà Minh lại đánh cướp Hóa Châu nhưng bị quân ta đánh bại. Đến thời Lê Thánh Tông vào năm 1470 Chiêm Thành đem 100.000 quân đánh Thuận Hóa.

 

Lần này, 1471, vua Lê Thánh Tông sắp đặt một trận đại quy mô để quyết tâm làm cho Chiêm Thành kiệt quệ. Thắng trận Đồ Bàn (hay còn gọi là Trà Bàn), kinh đô của Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm, vua Lê Thánh Tông lấy tất cả đất đai từ Thạch Bi Sơn (tỉnh Phú Yên) về phía Bắc lập thành Thừa Tuyên Quảng Nam, đặt phủ, huyện, ra lệnh khắc bia trên núi gọi là núi Đá Bia. Còn bao nhiêu đất đai của Chiêm Thành còn lại (1/5) vua chia thành ba nước nhỏ là Chiêm Thành, Hoa Anh và Nam Phan cho tướng Chàm làm chúa.

 

Theo sử liệu để lại thì nước ta còn tiến về phương Nam trong giai đoạn về sau nữa, nhưng bằng nhiều con đường khác nhau. Từ sau lần vua Lê Thánh Tông đem quân vào nam đến đất Phú Yên lần này thì nhìn chung Vương quốc Chăm-pa đã suy yếu lắm rồi, không còn đủ sức quấy phá Đại Việt nữa. Cuộc chiến tranh triền miên qua nhiều thời kỳ giữa hai dân tộc Việt – Chăm đến đây xem như kết thúc.

Tổng hợp: Đoàn Nhật Quang

Chỉnh sửa: #VM

Loading

Rate this post