CHUYỆN DẠY VÀ HỌC MÔN LỊCH SỬ

  1. CHUYỆN DẠY VÀ HỌC MÔN LỊCH SỬ.

Những ngày gần đây, một trong những vấn đề được rất nhiều người nêu ra – mà đa phần theo hướng bày tỏ bức xúc – là việc môn lịch sử có nên là môn học tự chọn hay không.

Hầu hết những người nêu ý kiến về việc này đều cho rằng việc tự chọn – có nghĩa là học sinh có quyền không học – là không chấp nhận được, vì lý do nếu học sinh không học thì sẽ không biết về lịch sử dân tộc.

Để bắt đầu phần chia sẻ quan điểm của mình, tôi xin được trích một câu đã khiến tôi thích thú khi xem tập phim “Time travel” trong series “Into the Universe with Stephen Hawking” của BBC (do Hawking cố vấn nội dung và tự nói một số đoạn (thông qua thiết bị tổng hợp giọng nói), và Benedict Cumberbatch dẫn chính ở những phần khác).

Khi nói về việc có vẻ như cỗ máy thời gian có lẽ sẽ không thể ra đời, Hawking đã gọi đó là “một nỗi thất vọng đối với các thợ săn khủng long và là cứu cánh cho các sử gia” (A disappointment for dinosaur hunters and a relief for historians).

Tất nhiên, tôi chẳng trích ra chỉ vì tôi cho rằng Hawking nói gì cũng đúng (ngay đến việc lập luận rằng sẽ không thể có máy thời gian của ông, tôi cũng chẳng đồng tình – tất nhiên, chúng ta đã nói về việc này ở một bài khác rồi). Tôi trích ra chỉ vì tôi thấy nó thú vị và đã khiến tôi bật cười khi xem tập phim đó.

Suốt hàng nghìn năm, lịch sử của nhân loại luôn được viết bởi “phe thắng cuộc”, hoặc không thì cũng bởi những kẻ cai trị. Ngay đến câu chuyện bạn chứng kiến sáng nay ở ven đường lúc mở cửa đi ra phố, khi bạn kể lại cho một đồng nghiệp mà bạn gặp ở nơi công sở đã không còn hoàn toàn chân thực (cho dù bạn có không cố ý, vì góc nhìn của bạn có thể chưa bao quát, thời lượng của bạn có thể chưa đủ để thấy toàn bộ sự việc), và nếu câu chuyện đó đủ thú vị để người đồng nghiệp kia về nhà kể lại với vợ anh ta thì nó đã lại khác đi một chút nữa (vì anh ta thích phóng đại cho thêm hoành tráng hoặc hài hước, hoặc đơn giản là vì anh ta chỉ nghe từ bạn nên lại diễn giải ra theo một cách khác – do não của anh ta có phân tích y hệt theo cách mà não bạn làm đâu). Vậy nên, trong hàng vạn, hàng triệu câu chuyện được lịch sử ghi lại, đúng cũng nhiều nhưng sai thì không ít, và thực tế thì hầu hết chúng không thể hoàn toàn đúng (vì ngay cả những sử gia chân thực nhất thì cũng sẽ tương tự như ví dụ vừa nêu).

Tôi nói như vậy không phải để khẳng định rằng lịch sử là không đáng tin. Hiển nhiên, các sử gia hiện đại cần đối chiếu rất nhiều tài liệu và những dữ kiện khảo cổ trước khi đưa ra phán quyết, nên độ chính xác của những thông tin lịch sử ngày càng đáng tin cậy – nhất là với những gì đã không còn liên quan quá nhiều tới chính trị của hiện tại (còn liên quan tới chính trị thì tôi sẽ không bàn, vì … động chạm nhiều người lắm 🙂 ).

Vấn đề là: khi mà bản thân lịch sử vẫn luôn ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị và quan điểm của người viết, nó vẫn mãi chỉ là những thứ để tham khảo. Và theo quan điểm của tôi, tham khảo lịch sử là để áp dụng, hoàn thiện, rút kinh nghiệm, … và qua đó thúc đẩy sự phát triển ở chính xã hội của hiện tại và tương lai. Đó mới là lý do quan trọng nhất!

Có lần tôi từng viết một bài rằng nếu tôi ở vị trí buộc phải lựa chọn giữ lại cho nhân loại kiến thức về lực hấp dẫn hay về tiểu sử của Newton thì tôi sẽ đành xin lỗi Newton và ngợi ca tên ông lần cuối trước khi để cả tôi và toàn nhân loại quên đi rằng ai là người đã khám phá ra lực hấp dẫn. Vì kiến thức về hấp dẫn quan trọng với hàng trăm năm phát triển của nhân loại, và ngày nay không có những kiến thức đó thì chúng ta vẫn chưa có máy bay, nhà cao tầng hay những công trình kiến trúc đồ sộ, chứ đừng mơ tới chuyện bay lên vũ trụ.

Tri thức cho hiện tại luôn quan trọng hơn sự hồi tưởng!

Quay lại câu chuyện về môn lịch sử. Tuy nói như vậy, tôi vẫn đồng tình rằng lịch sử là môn học cần thiết. Chỉ có điều, cần bao nhiêu là đủ?

Học sinh rất cần phải biết nền văn minh của nhân loại nói chung và của đất nước, địa phương của mình nói riêng đã ra đời và phát triển ra sao. Cái đó đúng!

Nhưng có cần phải thuộc tên từng vị vua từ đời nào, phải nhớ cả chuyện trận đánh này hay cuộc đổ bộ kia có bao nhiêu xe tăng (mà con số gần như chắc chắn là không chính xác) hay không?

Chuyện đó tôi chưa thấy nhiều người nghĩ tới!

Tôi hiển nhiên thấy rằng kiến thức cơ bản về vũ trụ là cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy dạy cờ vua, thể thao, tâm lý học, giáo dục giới tính, … cũng rất quan trọng nữa, và chắc chắn là quan trọng hơn chuyện ông nào đó trong quá khứ sinh năm nào và mất năm nào. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi có quyền đòi hỏi tất cả những thứ đó phải được đưa vào thành những môn học độc lập và lấy ra để đánh giá trình độ của học sinh.

Vấn đề của giáo dục không phải là có buộc phải học môn lịch sử (hay bất cứ môn nào khác) hay không, mà là bao nhiêu là cần, bao nhiêu là đủ, cân đối làm sao để học sinh đến trường có được kiến thức toàn diện mà không cần phải chịu áp lực đến mức thức gần hết đêm để học thuộc được hết nhưng thứ mà thầy cô dọa sẽ cho điểm thấp nếu không nhớ được khi mà chính lũ trẻ chẳng hiểu mình cần biết chúng làm quái gì.

Đôi lời chia sẻ về quan điểm. Bạn hoàn toàn có quyền không đồng tình với tôi. Tôi chỉ cần bạn phản biện (nếu có) một cách văn minh!

Đặng Vũ Tuấn Sơn

Loading

Rate this post