PHÒNG THỦ ĐỊA CẦU

PHÒNG THỦ ĐỊA CẦU

 

Ngày 26 tháng 09, Cơ Quan Không Gian Hoa Kỳ NASA vừa thành công bắn một phi thuyền có tên DART trúng cách tâm điểm 16.7 mét của một tiểu hành tinh có chiều dài 160 mét, được đặt tên là Dimorphos. Các tiểu hành tinh có kích thước nhỏ như các viên đá trời hay thiên thạch (meteor) còn có tên trong ngôn ngữ dân gian Việt Nam là “sao băng” khi nó bay vào bầu khí quyển và vạch những đường sáng trong trời đêm.

 

Phi thuyền DART viết tắt của chữ Double Asteroid Redirection Test tạm dịch là “thí nghiệm làm chuyển hướng cặp hành tinh”. Nhiệm vụ của phi thuyền DART do cơ quan NASA thí nghiệm là lao vào ngôi “sao băng” mập mạp cách trái đất 11 triệu km với vận tốc 23000 km một giờ. Hay 6.38 km một giây. Một viên đạn M-16 có vận tốc 0.960 km một giây. Tức là phi thuyền DART lao vào tản đá trời với vận tốc nhanh hơn 6 lần cục kẹo đồng M-16.

 

Điều phi thường là tiểu hành tinh Dimorphos 160 mét này còn là vệ tinh quay mòng mòng vòng quanh của một hành tinh mẹ được gọi là Didymos, có kích thước 780 mét. Tức là các tản đá lớn nhỏ này di chuyển liên tục trong các quỹ đạo của nó trong không gian bao la vô tận và được NASA tính toán đạn đạo và bắn trúng ngay chóc hồng tâm.

 

Phi thuyền DART lớn bằng cái tủ lạnh có kích thước 1.2 m x 1.3 m x 1.3 m, nặng 610 kg. Có hai cánh tấm năng lượng mặt trời xòe ra dài 8.5 mét để có điện hoạt động và gởi các tín hiệu và hình ảnh về địa cầu.

 

DART được phóng đi ngày 24 tháng 11 năm 2021 ở tiểu bang California. 15 ngày trước khi DART gia tăng vận tốc để lao vào tiểu hành tinh Dimorphos, một phi thuyền con có tên là LICIACube được thả ra từ bụng DART để bay theo quan sát sự va chạm và tránh xa Dimorphos. Trên phi thuyền LICIACube có trang bị hai máy chụp hình và các dụng cụ phân tích sự va chạm của DART.

 

Hiện nay còn hơi sớm để biết tiểu hành tinh Dimorphos có bị lệch quỹ đạo sau khi bị phi thuyền DART húc vào. Nhưng đây là trọng tâm của cuộc thí nghiệm này.

 

Các nhà thiên văn học đang theo dõi khoảng 25000 tiểu hành tinh đang di chuyển gần địa cầu. Và có khoảng 10000 tiểu hành tinh có kích thước khoảng 140 mét hay lớn hơn đang đe dọa quả địa cầu mà chúng ta đang tá túc.

 

Chỉ cần một cục đá không gian có kích thước vài km bay vào bầu khí quyển trái đất và nếu nó hỏng bị cọ sát đốt cháy và nổ tan xác pháo mà lao xuống mặt đất thì thôi rồi những cuộc đời ô trọc. Bao nhiêu con khủng long đẹp trai dễ thương thời tiền sử bị tiêu diệt cũng vì một ngôi “sao băng” sát thủ có bề ngang 10 km đâm xầm xuống Mỹ Châu.

 

Do đó cơ quan NASA với sự cộng tác của các cơ quan Không Gian Âu Châu, Ý Đại Lợi và đại học Johns Hopkins University đã tiến hành chương trình phòng thủ địa cầu để bảo vệ nhân loại. Họ hy vọng cuộc thí nghiệm này thành công để trong tương lai nếu có ngôi “sao băng” nặng ký nào lai vãng gần địa cầu thì sẽ dùng các phi thuyền như DART đẩy nó đi chỗ khác chơi. Nhưng hỏng biết các hành tinh có kích thước mấy chục km bay tới trái đất thì tính sao ta?

 

Nên nhớ vào ngày 04 tháng 10 năm 1957, Liên Xô là nước đầu tiên phóng vệ tinh vào quỹ đạo trái đất để phát tín hiệu về địa cầu. Điều ấy đã làm Hoa Kỳ hốt hoảng và cuộc chạy đua không gian bắt đầu. Hoa Kỳ sau đó đã qua mặt Liên Xô về các chương trình không gian và là quốc gia đầu tiên đem người lên thăm chị Hằng Nga.

 

  • Hiện nay Hoa Kỳ là nước đầu tiên thực hiện chương trình phòng thủ địa cầu trước sự đe dọa của mấy chục ngàn cục đá khổng lồ. Trong khi đó China, Iran, Bắc Hàn và Gấu Nga thì vẫn hì hục chế tạo đủ loại hỏa tiễn mang bom nguyên tử có khả năng làm banh ta lông trái đất này.

 

Bài của bác Bong Lau

Loading

5/5 - (1 bình chọn)