Học cùng con trẻ: Bài đọc thêm số 24

 

Học cùng con trẻ: Bài đọc thêm số 24

Vài lời tư vấn

i – Cách giữ lại hoặc lấy lại bình tĩnh

Để có thể xử lý sự cố, bình tĩnh là một đức tính rất cần thiết. Cha mẹ cần có đức tính này để hướng dẫn khi con còn rất nhỏ.

Khi bạn đã xác định mình là người có thể giữ được sự bình tĩnh, hoặc được đánh giá như vậy, cũng phải biết rèn luyện. Khi bạn biết rằng có lúc bị mất bình tĩnh, cần tìm nguyên nhân và có hướng đi khắc phục.

Nguyên nhân của mỗi trường hợp mất bình tĩnh là khác nhau, tựu chung là từ nhìn nhận và cảm xúc. Mất bình tĩnh là khi không chế ngự được cảm xúc.

Để rèn luyện được sự bình tĩnh, cần kết nối nhiều thứ. Về nhìn nhận, có tư tưởng rằng: Việc gì cũng sẽ trôi qua. Tìm cách giải quyết để không bấu víu vào tương lai. Không quan trọng hóa vấn đề. Giữ bình tĩnh để thấy sự cố như cái cột nhà, đẽo gọt cho gọn lại, làm thành chiếc đũa mà tính đến bữa ăn. Không biến vấn đề đơn giản thành phức tạp.

Nghĩ về những khía cạnh tốt. Khi thấy hành động của ai mà cho rằng là xấu, không vội khẳng định ngay, tìm xem có sự nhầm lẫn hay không, có thể gặp phải những vụ bất hòa, mâu thuẫn chỉ vì có sự hiểu lầm.

Về việc rèn luyện, tập thiền và suy nghĩ thấu đáo. Ngoài ra, hạn chế những loại đồ ăn, thức uống làm ảnh hưởng xấu đến tinh thần.

Khi đã bị mất bình tĩnh, phải kịp thời lấy lại. Trước hết, thấy ngay rằng mình đang bị mất bình tĩnh. Đứng yên, hít sâu, nín thở, hướng về chỗ khác, thở ra nhẹ nhàng, tìm cách nghỉ ngơi, hạ nhiệt…

Cha mẹ chú ý theo dõi, rèn luyện khả năng giữ bình tĩnh cho con trẻ, và kịp thời ngăn chặn hành vi khi mất bình tĩnh.

ii – Khi trẻ nói bị thầy, cô đánh

Con trẻ học ở trường mách bị thầy, cô đánh, một số cha mẹ có thể vội vàng quy kết, phản ứng mạnh, gây hậu quả đáng tiếc.

Lời kể là nguồn thông tin có thể đúng hoặc sai. Không thể vội khẳng định. Trước hết phải bình tĩnh, xem xét dấu vết, nếu có vết thương thì chữa trước, nếu được thì chụp lại làm bằng chứng. Bảo ban con trẻ hãy yên tâm, cha mẹ sẽ giúp. Hỏi xem nó đã bị đánh như thế nào, nguyên nhân bị đánh, có ai nhìn thấy không. Phân tích mâu thuẫn trong lời kể.

Khi sự việc khá rõ là trẻ có lỗi hoặc thầy, cô vô tình va chạm mà không có thương tích đáng kể, cần khuyên răn trẻ rồi cho qua. Còn khi thấy sự việc khá quan trọng, cần kiểm chứng qua việc trao đổi với thầy, cô hoặc hiệu trưởng, qua việc hỏi các bạn của trẻ. Kết quả kiểm chứng có thể là trẻ đã nói thật hoặc nói dối. Nếu trẻ nói dối thì cần bình tĩnh mà răn đe. Nếu trẻ nói thật thì càng phải bình tĩnh trao đổi với hiệu trưởng, hợp tác với nhà trường để giải quyết sự việc hợp tình, hợp lý, đúng với pháp luật. Tránh sự vội vàng, chưa có thông tin đúng đắn mà chuyện nhỏ thành chuyện lớn, tạo sự căng thẳng không cần thiết.

iii – Khi trẻ nói bị bạn đánh

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ nói rằng đã bị bạn đánh?
Trước hết, hãy bình tĩnh như trường hợp trẻ mách bị cô đánh. Chớ vội bênh vực mà làm hỏng chuyện. Một số trẻ thường đánh nhau để thử sức, để ra oai với bạn bè, để xử lý một vài mâu thuẫn. Phải biết đặt câu hỏi và kiên nhẫn lắng nghe đầu đuôi, trình bày từ các phía. Phải phân biệt rõ là xung đột hay bị đánh, và lý do va chạm. Trẻ đánh nhau với bạn có thể không mách cha mẹ, nếu bị phát hiện thì mới nói. Phải suy xét thật kỹ, không để tình cảm lấn át.

Khi con bị bạn đánh, phải làm rõ con có lỗi sai gì không, có làm tổn hại bạn không (như trêu chọc, nói xấu, tranh giành mà làm tổn thương bạn, bị bạn hiểu lầm, v.v…). Để đối phó với những bạn hung hăng, những kẻ bắt nạt, con phải có khả năng tự vệ, tránh hung hăng, nhu nhược.

Nhu nhược, cam tâm chịu đựng tạo ra tính cách hèn yếu, không dám đương đầu với thử thách, khó khăn.

Hung hăng tạo ra xung đột, dẫn đến tai họa, tạo ra thói quen không biết lắng nghe, nhìn nhận.

Khi đoán được có sự hiểu lầm, nên hướng dẫn cho con tìm cách giải tỏa sự hiểu lầm ấy. Cha mẹ có thể làm trung gian hòa giải. Sẽ rất tuyệt khi có thể dùng sự thân mật để hòa giải đứa đã đánh con mình.

Khả năng tự vệ tốt hơn cả là giữ mình không va chạm vào xung đột, hoặc có quan hệ tốt với nhiều bè bạn để có thêm thế mạnh. Những kẻ bắt nạt sẽ dễ bắt nạt kẻ yếu thế. Nếu có điều kiện, thì nên cho con tập luyện một vài thế võ tự vệ để chống trả khi cần thiết.

Loading

Rate this post